Giáo viên nghỉ thai sản có được hưởng lương không?

Đức Khôi 16/12/2023
Giáo viên nghỉ thai sản có được hưởng lương không

Nghỉ thai sản là một chế độ được đặt ra dành cho lao động nữ. Trường hợp giáo viên nghỉ thai sản sẽ không được hưởng lương nhưng được hưởng trợ cấp thai sản nếu đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Bảo hiểm xã hội là một trong những hệ thống được Nhà nước xây dựng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi họ bị mất thu nhập do một biến cố nào đó trong đời sống. Liên quan về việc giáo viên nghỉ thai sản có được hưởng lương không thì được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Luật viên chức năm 2010. Trong bài viết bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết vấn đề này tới bạn đọc.

Giáo viên nghỉ thai sản có được hưởng lương không?

Giáo viên là người tham gia giảng dạy tại trường học, là viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị đó theo quy định của pháp luật.

Hưởng lương là một trong những quyền của giáo viên khi tham gia giảng dạy, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ thai sản thì giáo viên sẽ không tham gia giảng dạy, không có các hoạt động về bỏ sức lao động đưa lại lợi ích cho người sử dụng lao động nên không được nhận lương, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác tại hợp đồng lao động.

Như vậy, khi nghỉ thai sản, giáo viên không được hưởng lương nhưng sẽ được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

Điều kiện để giáo viên hưởng trợ cấp thai sản

Để được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, giáo viên phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, giáo viên là người lao động nữ thuộc một trong các trường hợp: Mang thai, sinh con, mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi, đặt vòng tránh thai hoặc chồng thực hiện biện pháp triệt sản, chồng đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Thứ hai, giáo viên nữ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Như vậy, khi đáp ứng đủ 02 điều kiện trên thì giáo viên được hưởng trợ cấp thai sản

Thời gian hưởng chế độ thai sản của giáo viên khi sinh con

Đối với giáo viên sinh một thì được nghỉ 06 tháng, nếu sinh đôi thì tính từ con thứ hai trở đi, mỗi con mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Tuy nhiên, trước khi sinh chỉ được nghỉ tối đa là 02 tháng. Tổng thời gian nghỉ thai sản sẽ chỉ là 06 tháng nếu không phải trường hợp sinh đôi.

Bên cạnh lao động nữ, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 05 ngày làm việc với trường hợp vợ sinh thường; nghỉ 07 ngày làm việc với trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; nghỉ 10 ngày làm việc với trường hợp vợ sinh đôi, với trường hợp sinh 03 trở lên thì 10 ngày cộng với 03 ngày làm việc (mỗi con cộng thêm 03 ngày); nghỉ 14 ngày làm việc với trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Lưu ý, chồng chỉ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Mức hưởng chế độ thai sản của giáo viên

Tiền nghỉ thai sản cho giáo viên trong những ngày đi khám thai

Trong thời gian mang thai, giáo viên được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai và không tính ngày lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Mức tiền hưởng như sau: Số ngày nghỉ x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ khám thai : 24)

Tiền trợ cấp thai sản một lần cho giáo viên khi sinh con

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng (áp dụng đến hết 30/6/2023) Từ 01/7/2023: là 1.800.000 đồng/tháng.

Từ quy định trên thì mức trợ cấp một lần khi sinh con:

  • Thời điểm từ 30/06/2023 trở về trước = 1.490.000 đồng x 02 = 2.980.000 đồng.
  • Thời điểm từ 01/07/2023 = 1.800.000 đồng x 02 = 3.600.000 đồng.

Như vậy, không phải giáo viên nào cũng được hưởng trợ cấp thai sản một lần. Trợ cấp thai sản một lần chỉ áp dụng cho trường hợp giáo viên nữ sinh con hoặc giáo viên nữ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng giáo viên nữ sinh con hoặc tháng giáo viên nữ nhận nuôi con nuôi.

Tiền trợ cấp thai sản cho giáo viên trong thời gian nghỉ sinh con

Giáo viên nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp giáo viên nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh của giáo viên nữ tối đa không quá 02 tháng.

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản

Ví dụ trong trường hợp này, cụ thể như sau: Chị A sinh con vào ngày 01/03/2023, có quá trình đóng BHXH như sau:

  • Từ tháng 10/2022 đến tháng 01/2023 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
  • Từ tháng 02/2023 đến tháng 3/2023(2 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.

=> Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị A được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc = ((5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2))/6 = 5.500.000 (đồng/tháng).

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị A là 5.500.000 đồng/tháng.

Và số tiền hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con của chị A = 5.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 33.000.000 đồng.

Hồ sơ nhận chế độ thai sản

Đối với giáo viên nữ khi sinh con thì cần phải chuẩn bị hồ sơ đủ giấy tờ để nhận được trợ cấp thai sản như sau:

Bản sao Giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con.

Với các trường hợp mang thai hộ hoặc mẹ chết hoặc con chết thì cần các giấy tờ về chứng tử để chứng minh. Với nội dung này, khi lên cơ quan bảo hiểm làm chế độ thai sản thì sẽ được hướng dẫn chi tiết bởi cán bộ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh các trường hợp ở trên, còn có trường hợp chồng hưởng chế độ thai sản của vợ hoặc các trường hợp pháp luật quy định khác. Được chi tiết tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cùng Thông tư hướng dẫn chi tiết đang có hiệu lực. Với những chi tiết ở trên mà Đức Khôi biên soạn, hy vọng quý khách hàng sẽ hiểu hơn về vấn đề này. Khi có vướng mắc liên quan đến việc giáo viên nghỉ thai sản có được hưởng lương không, liên hệ chúng tôi để biết thêm chi tiết.

5 3 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận