Tư vấn góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên năm 2024

Đức Khôi 31/12/2023
Tư vấn góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên

Góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên là việc cá nhân hoặc tổ chức đầu tư kinh doanh bằng việc thành lập công ty TNHH 1 thành viên do chính mình làm chủ sở hữu. Góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên là việc làm cần thiết để thành lập, quản lý và điều hành công ty. Dưới đây Đức Khôi sẽ thông tin chi tiết đến bạn những quy định mới nhất về góp vốn trong công ty 1 thành viên để bạn có thể tham khảo.

Góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên là gì?

Công ty TNHH 1 thành viên là loại hình công ty do 1 thành viên là cá nhân hoặc tổ chức làm chủ sở hữu. Góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên được hiểu đơn giản là việc cá nhân hoặc tổ chức đầu tư để tạo thành vốn điều lệ cho công ty. Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên chịu trách nhiệm về nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi vốn điều lệ. Ngoài ra, việc góp vốn vào công ty giúp thành lập, quản lý và điều hành công ty trơn tru hơn.

Thời hạn góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên

Theo Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận GCN đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên phải góp đúng và đủ loại tài sản đã cam kết khi thành lập công ty. Thời hạn này không kể thời gian nhập khẩu, vận chuyển tài sản góp vốn, thời gian thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản.

Hình thức góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên

Tùy thuộc vào việc chủ sở hữu là cá nhân hay tổ chức mà hình thức góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên có sư khác biệt. Cụ thể:

Chủ sở hữu là cá nhân

Có 2 hình thức góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên, đó là tiền mặt hoặc chuyển khoản. Trên thực tế, để đảm bảo tính minh bạch cho việc góp vốn cũng như giúp cơ quan thế dễ dàng quản lý thì chủ sở hữu công ty nên thực hiện góp vốn bằng chuyển khoản. Trường hợp góp vốn là tài sản không phải bằng tiền, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì chủ sở hữu công ty phải định giá và chuyển quyền sở hữu tài sản.

Chủ sở hữu là tổ chức

Đối với chủ sở hữu là tổ chức góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên thì có 3 hình thức góp vốn gồm:

  • Ủy nhiệm chi chuyển khoản vào tài khoản công ty.
  • Thanh toán bằng Séc.
  • Hình thức khác không phải tiền mặt.

Tài sản góp vốn

Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chi tiết về tài sản góp vốn trong các doanh nghiệp nói chung như sau:

  • Tài sản góp vốn là đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi.
  • Quyền sử dụng đất.
  • Bí quyết kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ.
  • Tài sản khác có thể định giá bằng đồng Việt Nam.
  • Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp các tài sản kể trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.

Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

Trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên sử dụng tài sản góp vốn không phải tiền, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ tài sản thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức sang sở hữu của công ty. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên được quy định như sau:

  • Tài sản có đăng ký giá trị quyền sử dụng đất hoặc đăng ký quyền sở hữu: Chủ sở hữu phải chuyển quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu tài sản đó cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Tài sản không đăng ký quyền sở hữu: Thực hiện góp vốn bằng giao nhận tài sản và có xác nhận bằng văn bản.
  • Thanh toán mua, bán, phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện qua tài khoản của nhà đầu tư mở ở ngân hàng tại Việt Nam, trừ khi thanh toán bằng tài sản.

Nghĩa vụ của chủ sở hữu khi góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên

Chủ sở hữu là người trực tiếp góp vốn vào vốn điều lệ trong công ty TNHH 1 thành viên, vì thế chủ sở hữu sẽ có những nghĩa vụ sau đây:

  • Trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu góp đúng và đủ loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thời gian này không tính thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản hoặc thời gian thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản. Bên cạnh đó, trong thời gian này, chủ sở hữu có quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp.
  • Nếu không góp đủ vốn trong thời hạn nêu trên thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn, chủ sở hữu phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn thực góp.
  • Phải tách biệt tài sản cá nhân và tài sản công ty.
  • Chủ sở hữu công ty chỉ được rút vốn bằng cách chuyển nhượng vốn điều lệ của công ty cho cá nhân hoặc tổ chức khác. Nếu chủ sở hữu rút 1 phần hoặc toàn bộ vốn đã cam kết góp bằng hình thức khác thì chủ sở hữu, cá nhân, tổ chức có liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài chính khác của công ty.
  • Chủ sở hữu không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khi đến hạn.

Vốn tốn thiểu để thành lập công ty TNHH 1 thành viên

Góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên chính là việc tạo lập vốn điều lệ cho công ty. Hay hiểu đơn giản hơn thì vốn điều lệ công ty TNHH 1 thành viên là tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu đăng ký ban đầu. Pháp luật không yêu cầu mức vốn tối thiểu là bao nhiêu để thành lập công ty TNHH 1 thành viên nếu công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không yêu cầu mức vốn tốn thiểu.

Còn trường hợp công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh mà pháp luật có yêu cầu mức vốn tối thiểu để hoạt động thì công ty cần đăng ký số vốn điều lệ bằng mức quy định của ngành nghề đó.

Trên đây là chia sẻ của Đức Khôi về tư vấn góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên trong năm 2024. Hy vọng đây cũng là câu trả lời mà nhiều khách hàng khác đang tìm kiếm. Nếu quý khách hàng nào còn có thắc mắc nào cần giải đáp liên hệ ngay với chúng tôi để nhận được câu trả lời nhanh nhất nhé. Trân trọng!

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận